Trang Sử Việt: Trần Trọng Kim

 Nguyễn Lộc Yên
https://dongsongcu.files.wordpress.com/2017/07/58392-tra25cc258225cc2580n2btro25cc25a3ng2bkim-mo25cc25a325cc2582t2bco25cc259bn2bgio25cc25812bbu25cc25a3i-danlambao.jpg?w=878&h=367
TRẦN TRỌNG KIM
(1883 – 1953)

 .
Trần Trọng Kim hiệu Lệ Thần, quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà biên khảo và sử gia.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, học chữ Nho từ nhỏ. Năm 1903, ông tốt nghiệp trường Thông ngôn. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon. Năm 1909, học trường Sư phạm Melun, tốt nghiệp ngày 31-7-1911, về nước dạy ở các trường: Trường Bưởi, trường Hậu Bổ và trường Nam Sư phạm và giữ các chức vụ: Trưởng ban soạn sách giáo khoa Tiểu học (1924), Giám đốc trường Nam tiểu học Hà Nội (1939). Trong thời gian này, ông còn tham gia các hoạt động xã hội và làm Phó trưởng ban Ban Văn học Hội Khai trí Tiến Đức, Nghị viên Hội đồng dân biểu Bắc Kỳ…

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp, triều đình Huế hủy bỏ hòa ước Patenôtre đã ký với Pháp năm 1884. Nước Việt Nam tuyên bố độc lập, vua Bảo Đại giải tán Hội đồng cơ mật gồm Thượng thư sáu bộ và trực tiếp cầm quyền, có viên Đại sứ Nhật ở Đông Dương Yokoyama làm cố vấn. Trần Trọng Kim đã 62 tuổi (sắp nghỉ hưu), ngày 17-4-1945, được cử thành lập nội các, theo thể chế “Quân chủ lập hiến”, ông giữ chức Thủ tướng.
.
Nội các Trần Trọng Kim gồm có:
1- Trần Trọng Kim, Giáo sư, Học giả, nhà Sử học: Thủ tướng.
2- Trần Văn Chương, Luật sư: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (sau này là Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ).
3- Trần Đình Nam, Bác sĩ: Bộ trưởng Nội vụ.
4- Trịnh Đình Thảo, Luật sư: Bộ trưởng Tư pháp.
5- Hồ Tá Khanh, Bác sĩ: Bộ trưởng Kinh tế.
6- Vũ Ngọc Anh, Bác sĩ: Bộ trưởng Y tế.
7- Vũ Văn Hiền, Luật sư: Bộ trưởng Tài chính.
8- Phan Anh, Luật sư: Bộ trưởng Thanh niên.
9- Lưu Văn Lang, Kỹ sư: Bộ trưởng Công chính.
10- Nguyễn Hữu Thi, cựu Y sĩ: Bộ trưởng Tiếp tế.
11- Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ Toán: Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật.
.
Ngoài 11 thành viên Nội các, Chính phủ còn bổ nhiệm các nhân vật nhận trọng trách ở các nơi trọng yếu:
Phan Kế Toại làm Khâm sai Bắc bộ. Trần Văn Lai làm Đốc lý Hà Nội. Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam bộ. Kha Vạn Cân làm Đô trưởng Sài Gòn. Nguyễn Lân làm Thị trưởng Huế.

Chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu: Đế quốc Việt Nam. Quốc thiều là bài “Đăng đàn cung”. Quốc kỳ: Nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm.

blank

Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thì ngày 19-8-1945 Việt Minh cướp chính quyền, ngày 23-8-1945 chính phủ Trần Trọng Kim bị sụp đổ. Tuy thời gian chấp chính ngắn ngủi nhưng chính phủ của ông đã cải cách nhiều việc đáng kể, như: Bỏ chữ Pháp, chữ Nho dạy Quốc ngữ do học giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn sách để giảng dạy. Mặc dù, vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc giao thông còn khó khăn, nhưng đã cứu đói được một số dân Bắc Kỳ vào năm 1945 (Ất Dậu)…

Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông sống lưu vong tại: Quảng Châu, Hồng Kông. Ngày 6-2-1947, ông về nước sống ở Sài Gòn. Năm 1948, ông qua Phnom Penh ở với người con gái. Sau đó, ông trở về Việt Nam sống ở Đà Lạt và mất ngày 2-12-1953, hưởng thọ 71 tuổi.

Ông để lại nhiều sách giá trị: Việt Nam sử lược (gọn nhưng đầy đủ, súc tích, dễ hiểu, đã tái bản nhiều lần), Nho giáo, Phật lục, Truyện Kiều chú giải, Luân lý giáo khoa thư, Sơ học luân lý…

Cảm mộ: Ông Trần Trọng Kim

Trần Trọng Kim, nhân sĩ, sử gia
Tận tâm non nước, phải bôn ba!
Miệt mài viết sách, luôn hàm súc
Ngẫm nghĩ yêu dân, mãi thiết tha
Lo lắng quân vương, lo sốt sắng
Giữ gìn chính nghĩa, giữ hài hòa!
Đang khi sang sửa, ai đành đoạn?!
Đi “cướp chính quyền” gẫm xót xa?!

  
Nguyễn Lộc Yên

Leave a comment